Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

Nguyễn hữu Thập, tỷ phú đá xây d­ựng Việt Nam

Tuyên Quang Xuân Tân Mão - Mùa xuân này, vùng núi đá vôi nguyên sơ và yên tĩnh xã Phúc Ứng (Sơn Dương) trở nên sôi động bởi tiếng xe, tiếng máy nghiền đá từ Nhà máy sản xuất đá vật liệu xây dựng Tuyên Quang (Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang). Đại gia Thập sở hữu tài sản khoảng 600 tỷ đồng (năm 2010)



Dây chuyền sản xuất đá công suất 1,5 triệu m3/năm tại xã Phúc Ứng (Sơn Dương) của Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang.


Anh Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang tự hào nói: Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện nhà máy với quy mô thiết bị hiện đại đồng bộ của Nhật Bản này với công suất 1,5 triệu m3 đá/năm vào diện lớn nhất nước, đáp ứng tốt nhu cầu đá vật liệu xây dựng trong tỉnh và các tỉnh bạn lân cận, như: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái...

Nhà máy được xây dựng trên địa bàn thôn Khuôn Ráng và thôn Hang Hút, xã Phúc Ứng (Sơn Dương). Điều kiện khai thác thuận lợi, địa điểm mỏ nằm gọn trong một thung lũng, cách khu dân cư gần 2 km. Việc khai thác, chế biến đá được thực hiện bằng phương pháp cắt tầng, đặt dây chuyền thiết bị sản xuất ngay trên núi đá, lần đầu tiên được ứng dụng tại Việt Nam. Đặc biệt, sản phẩm đá của nhà máy được đăng ký với thương hiệu “Đá Phúc Ứng - Vua đá xây dựng” được bảo hộ với tiêu chuẩn ISO 9001: 2008. Các sản phẩm đá 1 x 2 là sản phẩm đá kích cỡ 10 x 25mm dùng đổ bê tông, làm nhà cao tầng, đường băng sân bay, cầu cảng, bê tông nhựa các tuyến đường, trong đó có đường cao tốc.



Trạm trộn bê tông của Nhà máy sản xuất đá vật liệu xây dựng Tuyên Quang.



Anh Nguyễn Đại Dương, Giám đốc điều hành sản xuất của nhà máy cho biết, nhà máy mới đi vào hoạt động, hệ thống máy móc đang trong những tháng đầu chạy thử nhưng đã đạt 90% công suất thiết kế, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật. Đến nay, sau hơn 3 tháng hoạt động, nhà máy đã sản xuất được hơn 100.000 m3 đá, doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 100 lao động với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Anh Lê Văn Hạnh, công nhân cơ khí của nhà máy phấn khởi cho biết: Điều kiện làm việc tại đây rất đảm bảo vì công nghệ sản xuất đá hiện đại, đồng bộ, hệ thống chống bụi bằng nước dưới dạng phun sương mù hạn chế bụi, bẩn, ô nhiễm môi trường.




Theo anh Nguyễn Đại Dương, công nghệ sản xuất đá của Nhật Bản hạn chế được 90% bụi từ khu sản xuất ra môi trường, bảo đảm tiêu chuẩn về không khí, nồng độ bụi, tiếng ồn và các chất thải. Đẩy mạnh sản xuất năm 2011, hiện nhà máy đang dồn sức sản xuất để cung cấp sản phẩm cho đơn vị thầu công trình làm đường xuyên Á đoạn Hà Nội - Phú Thọ với số lượng trên 3 triệu m3; ngoài ra còn cung cấp cho các đơn vị thầu nâng cấp Quốc lộ 2C; nâng cấp đường ĐT186 Thượng Ấm - Đại Phú (Sơn Dương)...

Cùng với xây dựng nhà máy đá này, hiện Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang đang đầu tư xây dựng trạm trộn bê tông nhựa asphalt công suất 140 tấn/h và Nhà máy sản xuất gạch không nung, công suất 12 triệu viên/năm. 2 công trình này giải quyết nguồn nguyên liệu tận dụng phế liệu bột đá, đất đá thải bóc vỉa khai thác mỏ đá. Cả 3 công trình hoàn thành đi vào hoạt động, doanh thu sản xuất công nghiệp hàng năm đạt hơn 100 tỷ đồng, đóng góp ngân sách trên 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 200 lao động sở tại...




Bài, ảnh: Trang Tâm
Trích nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét